Đề 6 - thi thử đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội phần định tính

Cập nhật lúc: 14:24 18-05-2023 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực


Đề ôn thi số 6 kỳ thi ĐGNL Đại học Quốc gia Hà Nội phần Tư duy định tính được Danhgianangluc.info cập nhật mới nhất. Đề thi gồm các câu từ 51 đến 100.

ĐỀ THI THỬ ĐGNL ĐHQGHN PHẦN TƯ DUY ĐỊNH TÍNH (ĐỀ 6)

Câu 51 - 55: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác;

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt thời nào cũng có.

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

Câu 51: Thể loại của văn bản trên là gì?

A. Hịch.

B. Kí.

C. Chiếu.

D. Cáo.

Câu 52: Đại cáo bình ngô dùng để công bố chiến thắng quân nào?

A. Nguyên Mông.

B. Minh.

C. Tần.

D. Hán.

Câu 53: Câu thơ sau được sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

A. Liệt kê.

B. Điệp ngữ.

C. Nói quá.

D. Hoán dụ.

Câu 54: Trong bài Bình Ngô đại cáo, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi là?

A. Mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người trên cơ sở tình thương và đạo.

B. Tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo đảm cuộc sống yên ổn cho dân.

C. Tiêu trừ bọn bán nước, mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân.

D. Là tình yêu thương nhân dân như con, cống hiến vì dân.

Câu 55: Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã dựa vào những yếu tố nào?

A. Nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, quốc huy quốc tịch, chế độ nhà nước riêng.

B. Nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, lịch sử hình thành, chế độ nhà nước riêng.

C. Nền văn hiến lâu đời, tư tưởng chính trị, lịch sử hình thành, chế độ nhà nước riêng.

D. Nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán, lịch sử hình thành, chế độ khoa cử riêng.

Câu 56 – 60: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

    Các nhà khoa học cũng như người dân bình thường đều quan tâm đến câu hỏi về tác động của biến đổi khí hậu. Ở bình diện địa phương, người ta quan tâm đến việc nhiệt độ trung bình và lượng nước mưa có thể sẽ thay đổi ra sao, trên bình diện toàn cầu, ngoài những việc khác là câu hỏi lượng nước trong các đại dương thay đổi như thế nào.

    Điều chắc chắn là: Mực nước đang dâng lên, hiện giờ trung bình là khoảng 3mm một năm. Mực nước biển dâng lên có thể gây nguy hiểm cho hàng triệu người trong các vùng gần bờ trên toàn thế giới. Điều gây tranh cãi hiện nay là những dự đoán: các nhà nghiên cứu liên tục công bố nhiều công trình mới về đề tài này.

    Một công trình mới đây đăng trên tạp chí chuyên ngành “Science” đã hãm phanh chút ít cho tính bi kịch. Theo nhóm nghiên cứu của Tad Pfeffer từ Đại học Colorado, họ không tin rằng mực nước biển sẽ dâng cao lên 2m cho đến cuối thế kỷ như một vài mô hình dự đoán trước đây. Câu hỏi mà nhóm đặt ra là: Bao nhiêu băng tuyết từ Greenland và Nam cực phải tan chảy vào các đại dương để tạo một mực nước biển nhất định? Dựa trên đó họ đã tính toán nhiều kịch bản khác nhau. Tiếp theo, họ đánh giá có bao nhiêu khả năng lượng băng tuyết như vậy tan chảy ra. Mang tính quyết định là vận tốc chảy của các sông băng. Theo Pfeffer, đến nay người ta đã quan sát được trong thời gian dài là các sông băng chảy vào biển tối đa khoảng 10 km một năm. Để cho mực nước biển dâng lên thêm 2 m cho đến cuối thế kỷ, các sông băng trên Greenland phải chảy với vận tốc chưa từng thấy – 27 km mỗi năm – cho đến cuối thế kỷ. Pfeffer cho rằng điều đó là rất không hợp lý – và vì thế dự đoán mực nước biển sẽ dâng lên ít hơn nhiều. Họ cho rằng khoảng 0,8 m đến cuối thế kỷ là thực tế, cũng có thể nhiều hơn một ít. Tuy nhiên, các nhà khoa học không muốn công trình của họ được xem như là bằng chứng nói nhẹ đi cho biến đổi khí hậu, dưới bất kỳ hình thức nào. “Ngay cả khi mực nước biển chỉ dâng thêm 20 cm trong vòng một thế kỷ cũng đã có nhiều hậu quả bi thảm rồi“, Shad O'Neal từ Cơ quan địa chất Mỹ (USGS) nhận định.

Câu 56: Chủ đề của văn bản trên là gì?

A. Biến đổi khí hậu và mối quan tâm của các nhà khoa học.

B. Mối quan tâm của người dân về nhiệt độ trung bình và lượng nước mưa.

C. Mối quan tâm của mọi người về sự thay đổi lượng nước biển.

D. Nước biển dâng và ảnh hưởng của nó.

Câu 57: Theo đoạn trích mực nước biển tăng sẽ gây ra nguy cơ gì?

A. Khiến cho toàn bộ phần đất liền biến mất.

B. Gây nguy hiểm cho nhân loại.

C. Gây nguy hiểm cho những người đánh cá.

D. Gây nguy hiểm cho những người sống gần bờ.

Câu 58: Cụm từ “hãm phanh chút ít cho tính bi kịch” nhằm chỉ điều gì?

A. Con người sẽ không rời vào bi kịch khi nước biển dâng cao.

B. Con người sẽ vẫn rơi vào bi kịch khi nước biển dâng chậm.

C. Con người sẽ không rơi vào bi kịch khi nước biển dâng chậm.

D. Con người có thể thoát khỏi bi kịch nước biển dâng nếu có cách phòng tránh tốt.

Câu 59: Ý kiến nào trong đoạn trích được cho là khó xảy ra

A. Mực nước biển sẽ dâng lên thêm 2 m cho đến cuối thế kỷ.

B. Mực nước đang dâng lên, hiện giờ trung bình là khoảng 3mm một năm.

C. Trong thời gian dài là các sông băng chảy vẫn chảy vào biển.

D. Mực nước biển sẽ dâng lên khoảng hơn 0,8 m đến cuối thế kỷ.

Câu 60: Mục đích của các nhà khoa học khi chứng minh nước biển dâng lên chậm hơn dự kiến là?

A. Để nhân loại lạc quan hơn về tương lai của mình.

B. Để nhân loại thấy nước biển dâng không phải là một bi kịch.

C. Để nhân loại tránh được sự đề phòng không cần thiết.

D. Để nhân loại hiểu rõ thực tế nước biển sẽ dâng như thế nào?.

Câu 61 – 65: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

   “Không ai muốn chết. Ngay cả những người muốn được lên thiên đường, cũng không muốn phải chết để tới đó. Nhưng Cái Chết là đích đến mà tất cả chúng ta đều phải tới. Chưa ai từng thoát khỏi nó. Và nên là như thế, bởi có lẽ Cái Chết là phát minh tuyệt vời nhất của Sự Sống.

   Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ để mở đường cho cái mới. Bây giờ cái mới là bạn, nhưng một ngày nào đó không xa, bạn sẽ trở nên cũ kỹ và bị loại bỏ. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.

   Thời gian của bạn có hạn nên đừng lãng phí thời gian sống cuộc đời của người khác.

   Đừng bị mắc kẹt trong những giáo điều, đó là sống chung với kết quả của những suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm của người khác gây nhiễu và lấn át tiếng nói từ bên trong bạn. Điều quan trọng nhất là có can đảm để đi theo trái tim và trực giác của mình. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành gì. Mọi thứ khác đều chỉ là thứ yếu...”

(Bài phát biểu tại Lễ Tốt nghiệp tại Stanford, Steve Job).

Câu 61: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Tự sự.

B. Miêu tả.

C. Nghị luận.

D. Thuyết minh.

Câu 62: Văn bản đã KHÔNG nói đến hậu quả gì nếu “để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn”?

A. Sống cuộc đời của người khác, không được là chính mình.

B. Cả đời luôn chạy theo những gì người khác mong muốn, theo đuổi.

C. Đánh mất chính bản thân mình, cuộc đời không có ý nghĩa.

D. Lãng phí thời gian, tuổi thanh xuân quý giá của người khác.

Câu 63: Theo tác giả, cái gì là đích đến mà chúng ta đều phải tới?

A. Cái chết.

B. Sự sống.

C. Thành công.

D. Trưởng thành.

Câu 64: Từ “thứ yếu” trong câu văn “Mọi thứ khác đều chỉ là thứ yếu...” có nghĩa là:

A. Quan trọng.

B. Cấp bách.

C. Cần thiết.

D. Không quan trọng lắm.

Câu 65: Chủ đề chính của đoạn văn là:

A. Cuộc sống là không chờ đợi, không thụ động, phải luôn trong tâm thế chủ động.

B. Cần sáng tạo không ngừng trong cuộc sống để luôn có những thành tựu cho bản thân mình.

C. Mọi thành công cần trải qua nỗ lực một cách không ngừng nghỉ để đạt được ước mơ.

D. Chấp nhận thủ tiêu những yếu tố lạc hậu, cũ kĩ để tự đổi mới, sáng tạo không ngừng, làm việc mình muốn, sống là chính mình.

Câu 66 – 70: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

   “(1) Công nghệ là các thứ cần dùng ở trong nước, hoặc cần để ăn, hoặc cần để ở, hoặc cần để trang sức, hoặc cần để dùng vào việc nọ việc kia, thiếu một nghề nào thì kém một thức dùng ấy. Trong nước đã thiếu đồ dùng tất phải mua của ngoại quốc mà dùng, mua của ngoại quốc bao nhiêu tất thiệt hại cho của cải trong nước bấy nhiêu. Vả lại nhân tình ai là chẳng muốn dùng đồ đẹp, đồ tốt, đồ chắc chắn vững bền, đồ hoa mĩ thanh lịch. Nếu trong nước có đồ dùng mà xấu xa thô bỉ thì người ta chẳng mấy khi muốn nhìn đến, té ra có cũng như không. Vậy muốn giữ cho khỏi hao của thì tất trong nước phải đủ thứ dùng mà đồ dùng phải cho hợp ý người ta, nếu lại muốn chọi khéo để tranh lợi với hoàn cầu thì lại phải chế ra đồ tốt như người ta hoặc hơn người ta mới được.

   (2) Nước ta, công nghệ thì cũng chẳng thiếu thứ gì, nhưng chỉ vì tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được mà làm quan, chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà chịu chết mới phải xoay ra làm nghề mà thôi. Mà làm nghề thì không cần gì lấy tinh xảo, chỉ cốt làm cho bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Nghề như thế thì mong sao cho tấn tới thịnh vượng được, mà công nghệ suy nhược, lại là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức mới nào nữa”

(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhà sách Khai Trí, 1915, tr.296).

Câu 66: Đoạn trích (1) được trình bày theo quy tắc nào?

A. Quy nạp.

B. Diễn dịch.

C. Tổng – phân – hợp.

D. Song hành.

Câu 67: Nội dung chính của đoạn trích (1) là gì?

A. Các ngành công nghệ ở nước ta thời xưa.

B. Thực trạng yếu kém của nghề bán công ở nước ta.

C. Sự cần thiết của việc phát triển nghề bách công ở nước ta.

D. Giải pháp để phát triển nghề bách công ở nước ta.

Câu 68: Theo đoạn trích, đâu KHÔNG phải lí do khiến nghề bách công ở nước ta chưa phát triển?

A. Vì người có học thức không chịu học làm nghề bách công.

B. Vì người chịu làm nghề lại không có học thức.

C. Vì nước ta chưa có nhiều ngành nghề công nghệ.

D. Vì người làm nghề chưa chú trọng tinh xảo, chỉ cốt bán rẻ.

Câu 69: Theo đoạn trích, vai trò quan trọng nhất của nghề bách công là gì?

A. Tạo ra nhiều đồ dùng đẹp tốt.

B. Rèn luyện sự khéo léo, tinh xảo.

C. Giữ cho khỏi hao của, tranh lợi với hoàn cầu.

D. Giải quyết việc làm cho người không học được mà làm quan.

Câu 70: Từ “tinh xảo” được in đậm trong đoạn trích KHÔNG bao hàm nét nghĩa nào sau đây?

A. tinh vi.

B. khéo léo.

C. nhanh nhạy.

D. tỉ mỉ.

Câu 71: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách...

Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ thông tin thời sự cập nhật, truyền tụng những tin tức nóng hổi hằng ngày trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội.

A. Ngôn ngữ.

B. Cập nhật.

C. Truyền tụng.

D. Mọi lĩnh vực.

Câu 72: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách...

Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù lòa, không hề phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa ngang lưỡi hái vào mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết thông hành cùng những “sát thủ” trên đường phố.

A. Lĩnh vực.

B. Mù lòa.

C. Lưỡi hái.

D. Thông hành.

Câu 73: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

“Thường xuyên không đúng giờ là một yếu điểm của chị ấy”

A. thường xuyên.

B. đúng giờ.

C. yếu điểm.

D. chị ấy.

Câu 74: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

“Do bản chất kinh doanh không lành mạnh, ngày 12-6-1992, nhà hàng Phương Trinh bị đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Thạnh phát hiện sử dụng sai trái 21 lao động”

A. Do.

B. bản chất.

C. sai trái.

D. lao động.

Câu 75: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Chiểu, người nông dân hiện lên như một chiến binh không biết khuất phục trước kẻ thù

A. Dưới.

B. tài hoa.

C. một.

D. khuất phục.

Câu 76: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. cảm động.

B. xúc động.

C. cảm xúc.

D. rung động.

Câu 77: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. nhân ái.

B. nhân văn.

C. nhân quả.

D. nhân tài.

Câu 78: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. Quặn thắt.

B. Quặn lòng.

C. Oằn oại.

D. Quằn quại.

Câu 79: Trong những tác phẩm sau tác phẩm nào KHÔNG PHẢI của Văn học Trung đại Việt Nam?

A. Đại Cáo Bình Ngô.

B. Chiều tối.

C. Truyện Kiều

D. Cung oán ngâm khúc.

Câu 80: Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với tác phẩm còn lại.

A. An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy.

B. Sơn tinh Thủy Tinh.

C. Thánh Gióng.

D. Tấm Cám.

Câu 81: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Bhutan là đất nước được ghi nhận uy thé của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập..... Từ những năm đầu tiên của thập kỉ 70, thế kỉ XX và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm ....

A. Quốc nội/ quốc dân.

B. Cá nhân/ quốc dân.

C. Quốc dân/ quốc nội.

D. Trung bình/ quốc dân.

Câu 82: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Con đường.... bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng        những giá trị văn hóa bên ngoài.

A. Hình thành/ đồng hóa.

B. Sinh thành/ đồng hóa.

C. Cấu thành/ biến hóa.

D. Tạo thành/ giáo hóa.

Câu 83: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

... là có phẩm chất đạo đức cao cả, vượt hẳn lên trên những cái tầm thường, nhỏ nhen

A. Cao siêu.

B. Cao thượng.

C. Cao quý.

D. Thanh cao.

Câu 84: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Nhu cầu dinh dưỡng của từng người không giống nhau và phụ thuộc vào giới tính, lứa tuổi, hình thức lao động và                                 sinh lý của cơ thể. Cần cung cấp một khẩu phần ăn uống hợp lý để đảm bảo cho cơ thể                         và phát triển bình thường

A. tình hình/sinh sống.

B. trạng thái/sinh sống.

C. tình hình/sinh trưởng.

D. trạng thái/sinh trưởng.

Câu 85: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Văn bản văn học là một                      thống nhất

A. khối lượng.

B. chỉnh thể.

C. tập hợp.

D. tổ hợp.

Câu 86: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Khách có kẻ:

Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ,

Tam Ngô, Bách Việt.

Nơi có người đi,

Đâu mà chẳng biết.

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.

Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.

Qua cửa Đại Than,

Ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng,

Thuyền bơi một chiều

(Phú sông Bạch Đằng – Trương Hán Siêu)

Nhân vật “khách” hiện lên trong đoạn đầu bài phú là người mang cốt cách của:

A. Một kẻ giang hồ lãng tử, muốn rũ bỏ mọi vướng bận của cuộc đời.

B. Một người chuyên đi tìm kiếm vẻ đẹp của một thời đã qua.

C. Một kẻ ẩn dật, tìm đến thiên nhiên để lánh xa cuộc đời.

D. Một người thích du ngoạn khắp nơi với tráng chí bốn phương.

Câu 87: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Bao giờ cho đến tháng ba,

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.

Hùm nằm cho lợn liếm lông,

Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.

Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,

Con gà, be rượu nuốt người lao đao.

Lươn nằm cho trúm bò vào,

Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.

Lúa mạ nhảy lên ăn bò,

Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu.

Gà con đuổi bắt diều hâu,

Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.

Bài ca dao trên có đặc điểm gì đặc biệt về nghệ thuật?

A. Dùng lối nói quá.

B. Dùng lối nói tăng cấp.

C. Dùng lối nói tránh.

D. Dùng lối nói ngược.

Câu 88: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Bài ca dao trên nói lên tâm trạng nổi bật nhất của người phụ nữ?

A. Chán chường.

B. Tuyệt vọng.

C. Tủi nhục.

D. Lo âu.

Câu 89: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Tràng Giang – Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29).

Câu thơ “Củi một cành khô lạc mấy dòng” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

A. Chơi chữ.

B. Đảo ngữ.

C. Điệp ngữ.

D. Hoán dụ.

Câu 90: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em suýt soát tuổi nhau. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Nhưng dì ghẻ của Tấm là người rất cay nghiệt. Hàng ngày, Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng.

(Tấm Cám)

Nhân vật Tấm được xếp vào kiểu nhân vật nào trong truyện cổ tích?

A. Người mồ côi.

B. Người con út.

C. Người thông minh.

D. Người nghèo khó.

Câu 91: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

“Tnú không cứu sống được vợ, được con. Tối đó, Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì bị chúng nó bắt, mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!.”

(Trích Rừng Xà Nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục)

Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

C. Phong cách ngôn ngữ hành chính.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 92: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa.” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Đặc sắc nghệ thuật nổi bật nhất của đoạn trích là gì?

A. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ.

B. Giọng điệu thơ linh hoạt.

C. Vận dụng sáng tạo chất liệu dân gian.

D. Cách ngắt nhịp độc đáo.

Câu 93: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

(Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi)

Tiếng đàn “Ngu cầm” thể hiện ước mong gì của Nguyễn Trãi?

A. Ước mong về sự an nhàn.

C. Ước mong về sự thanh thản.

B. Ước mong về sự no ấm.

D. Ước mong về thái bình, thịnh trị.

Câu 94: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ se, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Dòng nào dưới đây nhận xét đúng nhất về ngôn ngữ của bài thơ?

A. Giàu tính triết lí.

B. Tự nhiên, giản dị, giàu ý vị.

C. Mang tính chân thực.

D. Trau chuốt, cầu kì.

Câu 95: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

"Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mối nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ ! Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới."

(Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

Điểm nhìn trần thuật trong văn bản trên là của nhân vật nào?

A. thằng Phác.

B. nhân vật Phùng.

C. nhân vật Đẩu.

D. người đàn bà hàng chài.

Câu 96: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

(Tỏ lòng <Thuật hoài> - Phạm Ngũ Lão)

Cụm từ "khí thế nuốt trâu" được hiểu là:

A. khí phách mạnh mẽ.

B. khí phách anh hùng.

C. khí phách lão luyện.

D. khí phách hiên ngang.

Câu 97: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

“Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Tiếng sáo gọi bạn làm sống dậy trong lòng Mị những kí ức nào?

A. Kí ức tuổi thơ nghèo khó.

B. Kí ức làm dâu đau buồn.

C. Kí ức thanh xuân tươi đẹp.

D. Kí ức ngày Tết đông vui.

Câu 98: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu,

Trái tim lầm chỗ để trên đầu.

Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

(Tâm sự)

Bốn câu thơ dưới đây của nhà thơ Tố Hữu phê phán điều gì ở nhân vật Mị Châu?

A. Phản bội người cha làm mất nước.

B. Phản bội đất nước vì tình yêu.

C. Đặt tình yêu cá nhân trên vận mệnh Quốc gia.

D. Mất cảnh giác với kẻ thù.

Câu 99: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

(Trao duyên – Nguyễn Du)

Đây là lời của ai nói với ai?

A. Của Thúy Kiều nói với Thúy Vân.

B. Của Thúy Kiều nói với Kim Trọng.

C. Của Thúy Kiều nói với cha mẹ.

D. Của Thúy Kiều nói với Hoạn Thư.

Câu 100: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp muôn nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

(Từ ấy - Tố Hữu)

Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nội dung đoạn trích trên:

A. Tinh thần yêu nước của tác giả.

B. Nhận thức về lý tưởng cách mạng.

C. Tâm trạng của người thanh niên khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng.

D. Thể hiện tinh thần lạc quan của người tù chính trị

-------------HẾT--------------

Tổng hợp: Danhgianangluc.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Trang thông tin mới nhất năm 2024 về kì thi đánh giá năng lực vào trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội, các khối trường công an và kì thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp trả lời rõ ràng tất cả câu hỏi như: Thi ĐGNL là gi, Đề thi đánh giá năng lực cấu trúc thế nào, gồm bao nhiêu phần, thời gian thi, thời gian mỗi phần, mỗi câu bao nhiêu điểm, lịch thi khi nào, thi ở đâu...