Cập nhật lúc: 17:18 30-03-2023 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực
Xem thêm: Đề thi đánh giá năng lực
ĐỀ LUYỆN THI ĐGNL ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI – PHẦN ĐỊNH TÍNH (ĐỀ SỐ 5)
Thời gian làm bài: 60 phút
Câu 51. Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55
(1) Đại dịch đã chỉ ra rằng cách mạng công nghệ đang tiến xa hơn những gì chúng ta có thể nghĩ – nhưng cuộc sống số cũng có thể cảm thấy chật chội, một mô phỏng tối tệ của thế giới thực. Đối với nhiều người, những thay đổi này sẽ rất đáng sợ. Một số công việc sẽ mất đi, nhưng năng suất tổng thể sẽ tăng lên, tạo ra nhiều của cải hơn làm lợi cho tất cả mọi người. Chất lượng cuộc sống con người sẽ được cải thiện. Có những lo ngại về quyền riêng tư, xử lý dữ liệu và vai trò của chính phủ trong việc quản lý các công ty và quản lý chính mình trong lĩnh vực này. Nhưng đấy không phải là những vấn đề không thể giải quyết; chúng ta có thể hưởng lợi ích của cuộc sống số và vẫn có thể bảo vệ quyền riêng tư của chúng ta. Và nếu chúng ta quan tâm phát triển những quy định xung quanh các cuộc cách mạng về AI và kỹ thuật y sinh, chúng ta sẽ không đánh mất những phẩm chất chỉ có ở con người. Thật ra, chúng ta sẽ càng đề cao con người.
(2) Con người lo lắng rằng khi AI trở nên phát triển hơn, chúng ta sẽ dựa vào máy tính của mình nhiều đến mức cuối cùng sẽ coi chúng là bạn và không thể hoạt động nếu không có chúng. Nhưng chuyện đã như vậy rồi mà, điện thoại của tôi có thể cung cấp cho tôi nhiều thông tin hơn bất kỳ con người nào tôi biết. Nó có thể giải quyết các nhiệm vụ phức tạp trong một nano giây. Nó có thể giúp tôi giải trí với nội dung xuyên thời gian và không gian. Vậy nhưng tôi chưa bao giờ nhầm nó là bạn. Máy tính càng thông minh hơn trong việc tính toán dữ liệu và đưa ra câu trả lời, thì nó càng buộc chúng ta phải suy nghĩ xem cái gì chỉ có ở con người chúng ta, ngoài khả năng suy luận. Thực ra, những cỗ máy thông minh sẽ khiến chúng ta đánh giá cao bạn đồng hành con người nhiều hơn, vì sự sáng tạo, hay thay đổi, không thể đoán trước, ấm áp và gần gũi của họ. Suy nghĩ này không có gì kỳ lạ. Trong phần lớn lịch sử, con người được ca ngợi vì nhiều phẩm chất khác ngoài khả năng tính toán — dũng cảm, trung thành, độ lượng, đức tin, tình yêu thương. Chuyển đến cuộc sống kỹ thuật số là sâu rộng, nhanh chóng và là hiện thực. Nhưng có lẽ một trong những hệ quả sâu xa nhất của nó sẽ là khiến chúng ta phải trân trọng những điều con người nhất trong ta.
(Fareed Zakaria, Mười bài học cho thế giới hậu đại dịch, NXB trẻ, 2021, tr. 127)
Theo đoạn trích, ý nào sau đây KHÔNG nói đến ảnh hưởng của cuộc sống số đối với con người?
A. Số người bị mất việc sẽ tăng lên do một số công việc không còn nữa.
B. Chất lượng cuộc sống của con người sẽ tốt hơn.
C. Cuộc sống số sẽ ít nhiều đe dọa đến quyền riêng tư của con người.
D. Cuộc sống số sẽ làm con người mất đi những phẩm chất người.
Câu 52. Ý nào sau đây KHÔNG được nói đến trong đoạn trích?
A. Đối với nhiều người sự thay đổi do cuộc sống số mang đến thật đáng sợ
B. Sự phát triển về công nghệ chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người làm chủ công nghệ.
C. Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư trong cuộc sống số là một câu hỏi không lời giải.
D. Khi AI phát triển con người sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng.
Câu 53. Đoạn văn thứ (2) của đoạn trích trên được trình bày theo quy tắc nào?
A. Quy nạp
B. Diễn dịch
C. Tổng – phân – hợp
D. Song hành
Câu 54. Cụm từ “những vấn đề” (gạch chân, in đậm) trong đoạn trích được dùng để nói đến vấn đề nào?
A. Lo ngại công nghệ phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến những thay đổi đáng sợ và nhiều công việc mất đi.
B. Lo ngại về quyền riêng tư, xử lí dữ liệu và vai trò của chính phủ trong việc quản lí các công ty và quản lí chính mình trong lĩnh vực này.
C. Lo ngại về quyền riêng tư và vai trò của chính phủ trong việc quản lí các công ty và quản lí chính mình trong lĩnh vực này.
D. Lo ngại về về quyền riêng tư và vai trò của chính phủ trong việc quản lí các công ty.
Câu 55. Từ “nó” (gạch chân, in đậm) trong đoạn trích được dùng để nói về cái gì?
A. Điện thoại
B. Máy tính
C. AI
D. Cuộc sống số
Câu 56. Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60
(1) Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
(2) Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
(3) Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
(4) Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(5) Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
(6) Mênh mông không một chuyến đò ngang.
(7) Không cầu gợi chút niềm thân mật.
(8) Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
(Trích Tràng giang, Huy Cận)
Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng ở hai câu thơ (3) và (4)?
A. Đảo ngữ, nhân hóa
B. Ẩn dụ, tương phản
C. Liệt kê, tương phản
D. Điệp ngữ, hoán dụ
Câu 57. Những câu thơ nào trong đoạn trích cho biết tác giả đang nhấn mạnh đến sự vắng lặng của không gian?
A. Câu 2,6,7,8
B. Câu 1,2,6,7
C. Câu 1,2,3,4
D. Câu 5,6,7,8
Câu 58. Hình ảnh “cánh bèo” trong câu thơ “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng" gợi sắc ý nghĩa liên tưởng gì?
A. Sự tiếp nối, chật chội
B. Sự đông vui, nhộn nhịp
C. Sự cô đơn, trống vắng
D.Sự trôi nổi, vô định
Câu 59. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng ở hai câu thơ: Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
A. Liệt kê
B. Nhân hóa
C. Đảo ngữ
D. Hoán dụ
Câu 60. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là gì?
A. Biểu cảm
B. Nghị luận
C. Miêu tả
D. Thuyết minh
Câu 61. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 61 đến 65
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Ngữ văn 12, tập 1)
Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
A. Nghệ thuật
B. Chính luận
C. Hành chính – công vụ
D. Khoa học
Câu 62. Từ “liên minh” trong đoạn trích có thể được thay thế bằng từ nào?
A. Cộng tác
B.Kết hợp
C. Liên thủ
D. Liên quân
Câu 63. Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận chủ yếu nào?
A. Giải thích, chứng minh
B. Phân tích, bình luận
C. Bác bỏ, so sánh
D. So sánh, bình luận
Câu 64. Tác giả khẳng định: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.” nhằm mục đích gì?
A. Tố cáo tội ác của Nhật ở Việt Nam
B. Tố cáo tội ác của Nhật và Pháp ở Đông Dương
C.Xóa bỏ mọi quan hệ với Pháp
D. Xóa bỏ mọi quan hệ với Pháp và Nhật
Câu 65. Chủ đề của đoạn trích là gì?
A. Quyền độc lập tự do của dân tộc ta
B. Tội ác của Pháp và Nhật ở Đông Dương
C. Sự khoan hồng của quân ta, những hành động vô nhân đạo của Pháp
D. Mối quan hệ giữa ta và Pháp
Câu 66. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 66 đến 70
Từ bề sâu địa chất với số đo vạn triệu năm, ta lại trở về với bề mặt địa lý Hà Nội, với số đo nghìn năm trở lại. Nét địa lý trường tồn của nghìn xưa Thăng Long và hôm nay Hà Nội, đó là cái đặc trưng của thành phố sông: thành phố ngã ba sông, nếu lấy cả hai dòng Hồng Hà - Tô Lịch làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo; thành phố một bờ sông (bờ phải) nếu chỉ lấy một sông Hồng làm trục chính. Một điều hiển nhiên, đất Hà Nội là đất bãi, và trên bãi của sông Hồng, do phù sa sông Hồng đắp nổi mà nên. Nhưng sự đắp đổi, trải mấy nghìn năm đã diễn ra không đơn giản: Có đời sống du đãng tự nhiên của những con sông ở đồng bằng do chính chúng tạo thành đổi dòng từ từ hay khi có đột biến, có sự can thiệp, hữu thức và vô thức của con người. Thục Phán đắp lũy thành Cổ Loa cũng là đắp đê phòng lụt. Sử biên niên nhà Hán chép rằng, ở đầu công nguyên, huyện Phong Khê (Đông Anh) đã có đê phòng lụt. Đê sẽ làm cho quá trình bồi tụ tự nhiên bị ngăn chặn lại, ít nhất là từng phần. Cho nên đất Hà Nội nội thành, bên hồ Tây và dòng Tô Lịch, lại có rất nhiều đầm hồ. Xem trên các bản đồ từ thời xưa cho đến giữa thế kỷ này, thì thấy lãnh thổ Hà Nội là một vùng đầm lầy, một thành phố sông hồ, nửa đất, nửa nước. Quy hoạch Hà Nội cổ là nương theo và thích ứng đến mức tối đa cái hình thể tự nhiên của sông hồ đó. Phần lãnh thổ chủ yếu của Thăng Long - Hà Nội xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, bờ sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu (nhánh sông Tô) ở phía tây và phía nam. Lũy bọc ngoài đê mà cũng là thành đất, là đường giao thông (đê La Thành). Sông hồ không những là nguồn nước dùng trong sinh hoạt mà còn là hệ thống thuỷ lợi và giao thông truyền thống. Sông hồ cũng là những sự kiện địa lý được dùng làm nguyên lý sơ khởi chỉ đạo việc quy tụ xóm làng, phường và thành lũy phòng vệ (sử dụng những đoạn sông Hồng, sông Tô làm ngoại hào). Dân gian Hà Nội xưa đã khái quát về khoảnh đất cốt lõi của Hà Nội cổ, của kinh thành cổ kính:
Nhị Hà quanh bắc sang đông,
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
(Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất nghìn năm văn vật, Nxb Hà Nội, 2009, Tr.21)
Ý chính của đoạn trích là gì?
A. Hà Nội là thành phố “ngã ba sông”
B. Hà Nội là vùng đất bãi
C. Vai trò của sông hồ đối với người Hà Nội
D. Đặc điểm địa lí tự nhiên của Hà Nội
Câu 67. Theo đoạn trích, nội thành Hà Nội có nhiều đầm hồ là do nguyên nhân nào?
A. Là do con người đã không ngừng cải tạo các điều kiện tự nhiên
B. Là do ảnh hưởng của việc quy hoạch Hà Nội giống như ngày nay
C. Là do ảnh hưởng của quá trình đắp đê phòng lụt từ xa xưa
D. Là do nước của con sông tràn vào những khu vực đất thấp
Câu 68. Theo đoạn trích, Thục Phán đắp lũy thành Cổ Loa để làm gì?
A. Để quản lí cư dân và chống giặc ngoại xâm
B. Để chống giặc ngoại xâm và phòng lụt
C. Để quản lí cư dân và bảo vệ đê điều
D. Để đề phòng lũ lụt và kiến tạo hồ đầm
Câu 69. Theo đoạn trích, ý nào KHÔNG nói về vai trò của sông hồ đối với lịch sử phát triển của Hà Nội?
A. Là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng cư dân
B. Là hệ thống thủy lợi và giao thông quan trọng
C. Là yếu tố góp phần phòng vệ đất nước
D. Là điểm nhấn tạo nên điểm khác biệt của Hà Nội với các tỉnh, thành khác.
Câu 70. Từ “du đãng” (in đậm, gạch chân) trong đoạn trích gần nghĩa hơn cả với từ ngữ nào?
A. phóng khoáng
B. lưu manh
C. lãng đãng
D. tự do
Câu 71. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách…
Văn học phát triển trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến đổi bởi nội chiến phong kiến và bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn.
A. biến đổi
B. phong kiến
C. bão táp
D. đỉnh cao
Câu 72. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách…
Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại gắn liền với tư tưởng ―trung quân ái quốc (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua). Tuy nhiên, tư tưởng yêu nước có tính đặc trưng này không tách rời truyền thống yêu nước của nhân dân.
A. gắn liền
B. đặc trưng
C. tách rời
D. nhân dân
Câu 73. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách…
Văn học chữ Hán bao gồm các sáng tác bằng chữ Hán của người Việt. Thể loại văn học này xuất hiện sớm, tồn tại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của văn học trung đại, bao gồm cả thơ và văn xuôi.
A. văn học
B. thể loại
C. tồn tại
D. trung đại
Câu 74. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách…
Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam, nhân dân cả nước kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm và rồi đất nước dần rơi vào tay giặc.
A. xâm lược
B. kiên cường
C. và
D. rơi vào tay giặc
Câu 75. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách…
Văn học chữ Nôm chủ yếu là thơ, cực kì ít tác phẩm văn xuôi. Trong văn học chữ Nôm, chỉ một số thể loại tiếp thu từ Trung Quốc, còn phần lớn là thể loại văn học dân tộc.
A. Chủ yếu
B. Cực kì
C. Thể loại
D. Tiếp thu
Câu 76. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.
A. phun
B. hút
C. xả
D. tháo
Câu 77. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.
A. Đập vỡ
B. Phá nát
C. Xé rách
D. Bóp chặt
Câu 78. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.
A. Xanh lơ
B. Đen sì
C. Đỏ lừ
D. Vàng khè
Câu 79. Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với các tác phẩm còn lại?
A. Số đỏ
B. Rừng xà nu
C. Chiếc thuyền ngoài xa
D. Chí Phèo
Câu 80. Nhà thơ nào KHÔNG thuộc phong trào thơ mới giai đoạn 1932 - 1945?
A. Huy Cận
B. Hàn Mặc Tử
C. Tố Hữu
D. Nguyễn Bính
Câu 81. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:
Về phương diện nghệ thuật, văn học chữ Hán phát triển với nhiều thể loại phong phú, đặc biệt là thành tựu của ………………………… (Đại Cáo Bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi) và bước trưởng thành vượt bậc của ………………………… (Thánh Tông di thảo tương truyền của Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ).
A. văn chính luận – truyện ngắn
B. thơ – truyện ngắn
C.văn chính luận – văn xuôi tự sự
D. thơ – văn xuôi tự sự
Câu 82. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:
……… có nhiều sự khác biệt,.............. tất cả các loài người đều cùng chung một số đặc tính rõ nét.
A. tuy - nên
B. mặc dù - nhưng
C. vì - nên
D. nếu - thì
Câu 83. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:
Ngày nay, bộ não lớn của chúng ta là một món hời,.......... chúng ta có thể sản xuất ra xe hơi và súng, những thứ cho phép chúng ta di chuyển nhanh hơn nhiều so với tinh tinh, và bắn ……từ một khoảng cách an toàn thay vì đấu trực tiếp.
A. bởi vì - nó
B. bởi vì – chúng
C. cho nên – nó
D. cho nên – tinh tinh
Câu 84. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:
Con sông Đà tuôn dài như một …………, đầu tóc chân tóc ấn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuộn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
A. mái tróc trữ tình
B. mái tóc mượt mà
C. áng tóc trữ tình
D. dải tóc trữ tình
Câu 85. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:
Về phương diện nội dung, văn học Việt Nam thế kỉ XV – thế kỉ XVII đi từ nội dung …………… mang âm hưởng ngợi ca đến nội dung phản ánh, phê phán hiện thực xã hội.
A. nhân đạo
B. yêu nước
C. phản ánh
D. nhân văn
Câu 86. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu. Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt
đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa
đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
(Nam Cao, Chí Phèo, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Nét nổi bật nhất về nghệ thuật của đoạn trích là gì?
A. Sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm
B. Ngôn ngữ đối thoại sinh động
C. Miêu tả diễn biến tinh tế
D. Tạo dựng tình huống bất ngờ
Câu 87. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Những người đã chết vì bệnh khác trong dịch Covid khó có thể đổ lỗi cho dịch bệnh. Sự thực, đến nay chưa có ai, chưa quốc gia nào dám nói rằng mình có kinh nghiệm chống lại Covid. Bởi lẽ đại dịch tầm toàn cầu vài thế kỷ mới gặp một lần, dịch giữa các vùng cũng khác nhau. Có giải pháp lúc này là tích cực, nhưng lúc khác lại trở thành tiêu cực. Ta chưa nên đánh giá vội, song có thể nhìn lại để rút ra kinh nghiệm nhất định cho tương lai.
(Tĩnh khắc động, Đặng Hùng Võ)
Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích là gì?
A. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
B. Phong cách ngôn ngữ khoa học
C. Phong cách ngôn ngữ báo chí
D. Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 88. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Xuân Diệu, Vội vàng, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Tác giả viết ba chữ “Ta muốn ôm” ra chính giữa dòng thơ nhằm dụng ý gì?
A. Thể hiện cách trình bày ấn tượng, độc đáo
B. Tạo ra sự bất ngờ về cảm xúc
C. Thể hiện một cái “tôi” tham lam, nhiều ham muốn
D. Thể hiện một cái “ta” chung
Câu 89. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
(Tương tư, Nguyễn Bính)
Biện pháp tu từ nghệ thuật nào được sử dụng trong câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”?
A. Ẩn dụ
B. So sánh
C. Hoán dụ
D. Điệp ngữ
Câu 90. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Rồi đến một hôm, quản ngục mở khóa cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn:
- Ðối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất. (::) Ông đã trả lời quản ngục:
- Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.
Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục. Ðến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này. Ngục quan đã làm cho ông Huấn bực mình thêm, khi nghe xong câu trả lời, y chỉ lễ phép lui ra với một câu: " Xin lĩnh ý ". Và từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa; duy chỉ có y là không đặt chân vào buồng giam ông Huấn. Ông Huấn càng ngạc nhiên nữa: năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả.
(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù, Ngữ văn 11, tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014)
Đoạn trích thể hiện tính cách nổi bật nào của nhân vật quản ngục?
A. Chu đáo, cẩn thận
B. Nhẫn nhịn, khiêm tốn
C. Gan dạ, khí phách
D. Nhu nhược, yếu đuối
Câu 91. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa, trước khi vào hàng đóng cửa đi ngủ. Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống - Ðường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố - để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya.
(Thạch Lam, Hai đứa trẻ, Ngữ văn 11, tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014)
Liên và An cố thức đợi đoàn tàu để làm gì?
A. Vì mẹ dặn hai chị em phải thức để bán hàng
B. Vì đó là thói quen ưa thích của hai chị em
C. Vì đoàn tàu mang một thế giới khác đến
D. Vì đoàn tàu từ Hà Nội về
Câu 92. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
(Huy Cận, Tràng giang, Ngữ văn 11, tập hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014)
Hình tượng cánh bèo trong đoạn thơ trên ẩn dụ cho điều gì?
A. Cho tâm trạng cô đơn của nhà thơ
B. Cho những kiếp người trôi nổi, lạc loài
C. Cho thiên nhiên tươi đẹp
D. Cho những cuộc chia li buồn bã
Câu 93. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu, lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Trong mấy trăm người đi đưa thì một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời, bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Ðoan, vân vân... Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma.
(Vũ Trọng Phụng, Hạnh phúc của một tang gia, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Bút pháp nghệ thuật nổi bật nhất của tác giả trong đoạn trích là
A. chọn chi tiết, hình ảnh ấn tượng.
B. tạo tình huống độc đáo.
C. tạo hình, dựng cảnh ấn tượng.
D. sử dụng từ ngữ độc đáo.
Câu 94. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ―ngày xửa ngày xưa... mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
(Nguyễn Khoa Điềm, Đất nước (trích), Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Hình ảnh “gừng cay muối mặn” được sử dụng trong đoạn trích có liên hệ (thể hiện) với nội dung gì dưới đây?
A. Thói quen sinh hoạt của người Việt
B. Tình cảm vợ chồng của người Việt
C. Lối sống trọng tình, trọng nghĩa của người Việt
D. Những gian khổ, vất vả của người Việt
Câu 95. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Quang Dũng, Tây tiến, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Chủ đề nổi bật bao trùm đoạn thơ là gì?
A. Sự hi sinh anh dũng của người lính Tây Tiến
B. Cái chết bi tráng của người lính Tây Tiến
C. Ý chí quyết tâm cứu nước của người lính Tây Tiến
D. Sự bất tử của người lính Tây Tiến
Câu 96. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lý Kiến, bây giờ cụ bá Kiến, ăn tiên chỉ làng. Hình như, có mấy lần bà ba nhà ông lý, trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy.
(Nam Cao, Chí Phèo, Ngữ văn 11, tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?
A. Miêu tả
B.Tự sự
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 97. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật gì trong câu thơ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”?
A. Nhân hóa
B. Hóa dụ
C. Điệp ngữ
D. Ẩn dụ
Câu 98. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
- Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
(Tố Hữu, Việt Bắc (trích), Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Cụm từ “mười lăm năm ấy” chỉ khoảng thời gian nào?
A. Từ 1930 – 1945
B. Từ 1940 – 1954
C. Từ 1954 – 1969
D. Từ 1960 – 1975
Câu 99. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
(Nam Cao, Chí Phèo, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Cách gọi Chí Phèo là “hắn” có tác dụng gì?
A. Thể hiện thái độ khinh miệt của tác giả
B. Thể hiện sự thương hại của tác giả
C. Thể hiện tính khách quan khi trần thuật
D. Thể hiện khoảng cách với nhân vật
Câu 100. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
(Tố Hữu, Từ ấy, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Cụm từ “cù bất cù bơ” trong câu thơ cuối được hiểu như thế nào?
A. Bơ vơ không nơi nương tựa
B. Cô đơn không ai chia sẻ
C. Khốn khổ cùng quẫn
D. Đói khổ rách rưới
---------------HẾT-------------
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?
Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?
Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?
Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY
Các bài khác cùng chuyên mục
Trang thông tin mới nhất năm 2024 về kì thi đánh giá năng lực vào trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội, các khối trường công an và kì thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp trả lời rõ ràng tất cả câu hỏi như: Thi ĐGNL là gi, Đề thi đánh giá năng lực cấu trúc thế nào, gồm bao nhiêu phần, thời gian thi, thời gian mỗi phần, mỗi câu bao nhiêu điểm, lịch thi khi nào, thi ở đâu...