Đề thi thử đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN năm 2025 - Phần Tư duy đọc hiểu

Cập nhật lúc: 14:11 29-04-2025 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực


Đề thi thử đánh giá tư duy Đại học Bách khoa HN năm 2025 Phần thi Tư duy đọc hiểu của Tuyensinh247 được đăng tải dưới đây, các em cùng ôn luyện.

Đề thi thử đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN năm 2025 - Phần Tư duy đọc hiểu

Trả lời cho câu hỏi: 1-10

CON CHÓ XẤU XÍ

[0] (Lược dẫn: Vợ của nhân vật xưng “tôi” mua một con chó, nhưng nó rất xấu xí nên chẳng ai dám đến gần. Mấy người quen của nhân vật “tôi” định bụng sẽ giết thịt nó để làm một chầu nhậu, nhưng rồi giặc đến, mọi người đều phải bỏ làng chạy giặc. Vì vướng víu nên gia đình, nhân vật “tôi” đành phải bỏ con chó lại nhà cụ bếp Móm và nhờ cụ nuôi hộ. Trước khi ra đi, vợ của nhân vật “tôi” đã xích con chó vào gốc cây để nó khỏi chạy theo).

[1] “Ắng!… Ắng! Ắng!…” Tiếng con chó lồng lộn, cuống quít đằng sau bước chân tôi. Nó như gọi tôi, nó như kêu cứu, như than khóc, oán trách…

Ra khỏi ngõ tôi thoảng nghe tiếng chị vợ cả nói với chồng:

– Vợ chồng nhà ấy họ đi đấy à? Này, họ bỏ lại con chó cậu ạ.

Và tiếng anh chồng dấm dẳn:

– Đến người cũng chả chắc giữ được nữa là con chó!…

Tôi xóc lại cái quai ba lô, bước theo hút cái bóng nhà tôi đang đi xăm xắm xuống đồi.[…]

Tiếng con chó từ trong nhà cụ bếp Móm đưa ra vẫn nghe rõ mồn một “Ắng!… Ắng! Ắng!…”. Tiếng con chó da diết, nhọn hoắt xói vào ruột gan tôi. “Thôi để chuyến này về tao nuôi. Tao sẽ nuôi mày, tao không bỏ mày đâu…”.

Tôi nhủ thầm với tôi một lần nữa như vậy.

[2] (Lược một đoạn: sau khi giặc rút, gia đình nhân vật “tôi” về lại làng, nhưng nhân vật “tôi” đã quên bẵng con chó).

Một hôm tôi chợt thấy cặp kính trắng lấp loáng của Đặng “cồn” từ đầu ngõ đi vào, bấy giờ tôi mới giật mình, sực nhớ đến con chó. Tôi quay lại hỏi nhà tôi:

– À, mình này! Con chó nhà ta đâu nhỉ? Mình chưa vào trong cụ bếp dắt nó về à?

Nhà tôi đứng ngẩn ra một lúc. Có lẽ nhà tôi cũng không ngờ rằng tôi đã về bằng ấy ngày giời rồi vẫn không nói chuyện con chó ấy với tôi.

– Nó chết rồi!… – Nhà tôi nói khe khẽ.

– Chết rồi? Làm sao mà chết được?…

Tôi trố mắt lên hỏi lại. Nhà tôi cúi mặt xuống, thở dài:

– Nó chết thương lắm cơ mình ạ. Không phải nó chết trong cụ bếp Móm đâu. Nó về nhà ta nó chết đấy.

[3] Nhà tôi ngừng lại, cắn môi chớp chớp hai mắt nhìn ra ngoài sân. Lát sau, nhà tôi đứng dậy mời Đặng vào trong nhà, rót nước mời anh rồi mới tiếp tục câu chuyện.

Chao ôi! Con chó xấu xí ấy của tôi! Con chó từ lúc mua, đến lúc chết không được một lần vuốt ve! Nó đã chết một cách thảm thương và trung hậu quá. Từ hôm vợ chồng tôi gửi lại nó cho ông cụ bếp Móm, con chó không chịu ăn uống gì. Nó chỉ kêu. Nó kêu suốt ngày, suốt đêm. Một đêm, ông cụ bếp không thấy con chó kêu nữa, thì ra nó đã xổng xích đi đâu mất rồi.

Hôm nghe tin giặc rút, ở trong khe đồn Khau Vắt dọn về, nhà tôi tạt vào nhà cụ bếp Móm định đem con chó về nhân thể, nhưng vào đến nơi thì nó không còn đấy nữa. Lúc ấy nhà tôi cũng yên trí là con chó mất rồi. Chắc chắn nó sẽ lạc vào một trại ấp nào đấy và người ta làm thịt nó.

[4] Nhưng khi nhà tôi về đến nhà, bà con xóm giềng vừa chạy sang láo nháo thăm hỏi thì, ở ngoài vườn sau, có mấy tiếng chó hú lên thảm thương và ghê rợn.

Từ sau bụi dứa rậm rạp, con chó khốn khổ ấy lảo đảo đi ra. Người nó run lên bần bật. Nó gầy quá, chỉ còn một dúm xương da xộc xệch, rụng hết lông. Nó đói quá, đi không vững nữa. Nó đi ngã dụi bên này, dụi bên kia. Rồi nó không còn đủ sức mà đi nữa. Nó nằm bệt trên đất, rúm người lại, lết lết về phía nhà tôi. Lúc ấy cả người nó chỉ còn có cái đuôi là còn ngó ngoáy được để mừng chủ và cái lưỡi liếm liếm vào tay chủ. Khốn nạn con chó! Được gặp chủ nó mừng quá. Từ trong hai con mắt đờ đẫn của nó mấy giọt nước chảy ra. Lát sau thì nó không liếm được nữa, cái đuôi ngoáy yếu dần, yếu dần rồi im hẳn. Nó chết

[5] Tôi tối sầm mặt lại, vừa thương xót con chó, vừa thấy xấu hổ. Quả thật tôi chỉ là một thằng tồi. Một thằng ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ đến mình và vợ con mình. Đến như con chó mình nuôi, mình đối xử với nó có được như cái tình nghĩa của nó đối xử với mình đâu?

(Trích Con chó xấu xí, Kim Lân, in trong Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học)

Câu 1 : Chủ đề của truyện ngắn “Con chó xấu xí” là:

A. Phê phán lối sống vô tình vô nghĩa.

B. Cảm thông cho số phận của con vật.

C. Lên án chiến tranh đã gây ra sự loạn li.

D. Xót thương cho vẻ ngoài xấu xí của con chó.

Câu 2 : Hoàn thành câu hỏi sau bằng cách chọn đáp án đúng hoặc sai.

Theo đoạn [1], hai vợ chồng nhân vật “tôi” do vướng víu, nặng nề và vội vàng nên không thể mang theo con chó đi cùng.

Đúng hay sai?

Câu 3 : Những chi tiết nào sau đây khiến nhân vật tôi cảm thấy “vừa thương xót con chó, vừa thấy xấu hổ”? (Chọn 2 đáp án đúng)

A. Phải gửi lại con chó ở nhà cụ bếp Móm.

B. Tiếng kêu của con chó khi gia đình nhân vật “tôi” bỏ nó ra đi.

C. Nó nằm bệt trên đất, rúm người lại, lết lết về phía vợ nhân vật “tôi”.

D. Con chó mừng và xúc động khi gặp lại chủ rồi chết.

Câu 4 : Hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các cụm từ vào đúng vị trí: mang theo ; hổ thẹn ; trân trọng ; bỏ lại ; trung thành ; xót thương

Gia đình nhân vật “tôi” mua một con chó xấu xí, đối xử với nó một cách hờ hững và khi chạy giặc đã [Vị trí thả 1] nó. Nhưng con chó vẫn [Vị trí thả 2] với chủ, tìm về nhà gặp chủ rồi mới chết. Hành động đó đã khiến nhân vật “tôi” vừa [Vị trí thả 3] con chó vừa [Vị trí thả 4] vì cách hành xử của mình.

Câu 5 : Dựa vào đoạn [1], điền một từ không quá một tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật ________ .

Câu 6 : Hình tượng “con chó xấu xí” là biểu tượng cho ai?

A. Những con người có ngoại hình xấu xí

B. Những con người có tính cách yếu đuối

C. Những con người bị hắt hủi nhưng sống nghĩa tình

D. Những con người thấp cổ bé họng nhưng đã can đảm đứng lên

Câu 7: Điền từ ngữ không quá hai tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Nhân vật “tôi” được miêu tả trước hết là một con người __________. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, anh vẫn còn là một con người có lương tâm vì đã vô cùng hối hận và xấu hổ khi nghe người vợ kể về cái chết của con chó.

Câu 8 : Hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các cụm từ vào đúng vị trí: nổi bật; biểu tượng; gián tiếp; trực tiếp; hình tượng; ẩn chứa

Hình ảnh con chó xấu xí là [Vị trí thả 1] cho những con người có số phận bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống. Tuy vậy, ở những con người đó lại [Vị trí thả 2] một tâm hồn cao đẹp, trung hậu: đó là biết sống tình nghĩa, dù cả đối với những người đã đối xử tệ bạc với mình. Truyện cũng [Vị trí thả 3] thể hiện tiếng nói phê phán cái lối sống ích kỉ, vô tình vô nghĩa của con người.

Câu 9: Hoàn thành câu hỏi dưới đây bằng cách chọn đáp án đúng hoặc sai.

A. Đoạn trích trên được kể từ ngôi thứ nhất giúp tăng tính khác quan cho câu chuyện.

B. Tình huống chủ đạo của truyện chính là việc con chó xấu xí, dù bị bỏ lại nhưng vẫn lết về nhà chủ, cố gắng vẫy đuôi tỏ sự vui mừng khi gặp lại chủ rồi mới chết.

C. Tác phẩm có hai nhân vật bao gồm nhân vật “tôi” và vợ của nhân vật “tôi”.

Câu 10 : Người vợ của nhân vật “tôi” trong câu chuyện là người như thế nào? (Chọn nhiều đáp án đúng).

A. Một người phụ nữ nhân hậu, giàu tình cảm.

B. Một người phụ nữ tàn nhẫn, độc ác.

C. Một người có trách nhiệm với lời hứa của mình.

D. Một người phụ nữ yêu chồng, thương con.

 

Trả lời cho câu hỏi: 11-20

BỆNH SỐT RÉT VÀ NỀN Y HỌC VỆ QUỐC

[1] Đề cập đến y học vệ quốc, nền y học được hình thành cùng với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945, người ta không thể không nhắc tới những cái tên như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… Từng có thời gian theo học trường Y khoa Đông Dương hoặc du học tại nước ngoài, họ đã thừa hưởng trọn vẹn những kiến thức tiên tiến bậc nhất về y khoa quốc tế thời bấy giờ. Đó là một trong những hành trang quan trọng để họ từng bước áp dụng tại cuộc chiến phòng chống bệnh tật, đặc biệt là sốt rét, trong xã hội mới.

[2] Lịch sử y học Việt Nam đã ghi nhận các kế hoạch ngăn ngừa bệnh sốt rét dưới sự dẫn dắt của các bác sĩ Đặng Văn Ngữ và Phạm Ngọc Thạch. Năm 1955, Viện Sốt rét ký sinh trùng được thành lập và ngay lập tức trở thành nơi triển khai và giám sát các kế hoạch này, ngay trong giai đoạn kháng chiến. Một trong những người trực tiếp đối mặt với căn bệnh này là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã sản xuất thành công penicillin trong điều kiện thiếu thốn trăm bề ở Việt Bắc. Gần như toàn bộ cuộc đời ông là để chiến đấu với căn bệnh sốt rét, một nhiệm vụ vô cùng lớn mà ông và cộng sự đón nhận.

Dựa vào kết quả của các đợt khảo sát bệnh sốt rét ở nhiều địa điểm, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã bổ sung các kiến thức mới vào các kỹ thuật mà người Pháp áp dụng trên các đồn điền cao su, trong đó việc loại trừ sốt rét phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh theo vùng, mức độ cụ thể của bệnh theo năm, mùa dễ mắc bệnh…

[3] Cuộc chiến mới với bệnh sốt rét diễn ra cam go bởi sự lạc hậu theo thời gian của di sản y học thuộc địa và sự thay đổi cấu trúc bệnh dịch ở miền Bắc do tác động của chiến tranh, như lời của A.Y. Lysenko, một chuyên gia Xô viết về bệnh sốt rét “Phần lớn những nghiên cứu dịch tễ học bệnh sốt rét ở Việt Nam đều được thực hiện trong thời kỳ thuộc địa từ 15 đến 25 năm trước. Những kỹ thuật mà các nghiên cứu này áp dụng, những mục tiêu và nhiều kết luận của chúng đều trở nên lỗi thời với một quốc gia mới giành được độc lập và đang phát triển nền y tế công cộng. Bên cạnh đó, trong suốt tám năm kháng chiến ở Việt Nam, các quá trình di cư diễn ra ồ ạt đã dẫn đến những thay đổi về dịch tễ học của bệnh sốt rét theo vùng”.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Xô viết, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã điều tra về những điều kiện ở vùng núi phía Bắc như Thái nguyên, một phần của một cuộc điều tra về bệnh sốt rét giai đoạn 1955 – 1957. Một trong những kết quả của cuộc điều tra này là việc ông cùng với Lysenko xuất bản nhiều bài báo cùng một bản đồ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

[4] Là một phần của chiến lược loại trừ bệnh sốt rét, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã thành lập các trạm chống sốt rét để thử nghiệm các kỹ thuật mới được phát triển ở Nga và của WHO, tổ chức từ năm 1955 đã tổ chức một chương trình loại trừ sốt rét ở quy mô thế giới. Và kế hoạch của ông khiến người ta phải kinh ngạc: từ năm 1956 đến năm 1961, với sự hỗ trợ của Nga, Việt Nam đã thực hiện một kế hoạch ở quy mô lớn: kiểm tra 3.000 địa điểm, xét nghiệm 646.277 người; lấy 435.370 mẫu máu xét nghiệm; kiểm tra 319.087 ngôi nhà, 168.084 ao hồ, nghĩa là về quy mô gấp ba đến bốn lần quy mô điều tra của Viện Pasteur thực hiện từ năm 1927 đến năm 1938.

[5] Dựa vào kết quả của các đợt khảo sát này, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã bổ sung các kiến thức mới vào các kỹ thuật mà người Pháp áp dụng trên các đồn điền cao su, trong đó việc loại trừ sốt rét phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh theo vùng, mức độ cụ thể của bệnh theo năm, mùa dễ mắc bệnh… Hiểu biết mới về bệnh sốt rét đã được đưa vào thực tiễn với các cuộc vận động, tuyên truyền ở nhiều quy mô khác nhau với sự tham gia của đội ngũ y tế cấp xã, cấp xóm, được đưa vào chương trình bình dân học vụ hoặc các buổi nói chuyện về vệ sinh phòng bệnh, đưa ra khẩu hiệu như “Ba sạch”, “Ba diệt”… Thậm chí, quá trình này còn đi xa hơn cả mục tiêu phòng bệnh, khi giới thiệu những khái niệm “văn minh” vào nông thôn miền núi và góp phần định hình hiểu biết của dân chúng như “vi trùng”, “phản khoa học”, “phản vệ sinh”…

[6] Bất chấp những nỗ lực này, kiểm soát bệnh sốt rét vẫn còn là một nan đề, đặc biệt là ở chiến trường miền Trung và miền Nam. Do đó, Viện Sốt rét và ký sinh trùng đã gửi các đoàn chuyên gia vào Nam, trong đó bác sĩ Đặng Văn Ngữ. “Trong những ngày chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cha tôi vẫn tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia giới tuyến 17 thì không thể nào giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc. Tin tức về con số thương vong do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm cha tôi ngày đêm day dứt. Cuối cùng, ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vaccine miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội”, hồi ký của đạo diễn Đặng Nhật Minh có ghi lại.

Nhưng thật không may, vào năm 1967, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã hy sinh sau một trận bom B52 ở Huế và một năm sau, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng qua đời vì sốt rét.

[7] Ước mơ làm ra một thứ vaccine hữu hiệu ngay tại chiến trường để chống lại căn bệnh truyền nhiễm này của bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã không thể hoàn tất, mặc dù ông đã tạo ra được một dung dịch để tiêm với mỗi liều 0,1ml trong da và thử nghiệm thành công trên chính mình. Có thể, dung dịch được chưng cất đó chưa hẳn là vaccine kháng sốt rét bởi cuộc chạy đua phát triển vaccine sốt rét trên thế giới đã kéo dài tới tận ngày nay, một nhiệm vụ mà đôi khi người ta nghĩ là không thể. Nguyên nhân là do Plasmodium có một hệ gene phức tạp chứa hơn 5.000 protein, mỗi protein lại là một đích tiềm năng cho một loại vaccine. Hơn nữa, loại ký sinh trùng này phải sống trong hai vật chủ khác nhau để hoàn thành vòng đời của mình và trải qua những thay đổi lớn lao trong quá trình đó. Năm 2021, WHO đã quyết định đề xuất RTS,S là loại vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới, dẫu hiệu lực bảo vệ của ba mũi tiêm RTS,S chỉ đạt 50%. Vẫn còn nhiều việc phải làm để có được loại vaccine hiệu quả hơn và an toàn hơn cho con người.

[8] Cuộc chiến chống bệnh sốt rét trong cả thế kỷ giờ đã là một phần di sản của nền y học Việt Nam hiện đại. Hơn thế, vượt khỏi đường biên y học, cuộc chiến ấy trở thành một trong những trang đáng nhớ về một cuộc chuyển đổi đầy tự hào của những người dân xứ thuộc địa trở thành người chủ trên mảnh đất tự do.

(Tô Vân - Anh Vũ, Tạp chí Tia sáng, số ra ngày 02-8-2023)

 

Câu 11: Nội dung chính của bài đọc trên là gì?

A. Trình bày nỗ lực chống lại bệnh sốt rét của các bác sĩ Việt Nam trong nền y học hiện đại.

B. Trình bày sự nghiêm trọng của các biến thể bệnh sốt rét.

C. Trình bày các loại vaccine đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong điều trị bệnh sốt rét.

D. Trình bày nỗ lực chống lại bệnh sốt rét của các bác sĩ Việt Nam trong nền y học vệ quốc.

Câu 12: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

Với việc dẫn ra các số liệu trong đoạn [4], tác giả muốn khẳng định kế hoạch thử nghiệm bệnh sốt rét của bác sĩ Đặng Văn Ngữ trong thời vệ quốc có quy mô rộng lớn, vượt xa thời kỳ Việt Nam đang bị đô hộ.

Đúng hay sai?

Câu 13: Điền một cụm từ không quá hai tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Các di sản y học tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp để áp dụng vào nền y học vệ quốc vì vậy mà cuộc đấu tranh chống bệnh sốt rét diễn ra hết sức _________.

Câu 14 : Từ thông tin của bài đọc, hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các cụm từ vào đúng vị trí. Đoạn [4], Đoạn [6], Đoạn [5], Đoạn [7]

- [Vị trí thả 1] tìm được loại vaccine phòng bệnh sốt rét.

- [Vị trí thả 2] các đoàn chuyên gia vào tận miền Nam để tìm hiểu, nghiên cứu, ngăn chặn căn bệnh sốt rét tại nơi đang bùng dịch mạnh.

- [Vị trí thả 3] bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã thành lập các trạm chống sốt rét để thử nghiệm với quy mô lớn.

Câu 15: Điền từ ngữ không quá hai tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Nền y học _________ là nền y học hình thành trong tình hình đất nước đang trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước vô cùng khốc liệt. Đây là một lĩnh vực y học chuyên biệt tập trung vào việc cung cấp chăm sóc y tế cho quân đội và nhân dân trong trường hợp khoa khăn, có thể là trận chiến hoặc tình hình khẩn cấp.

Câu 16: Từ thông tin của bài đọc, hãy hoàn thành nhận xét sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí. kỉ niệm, y học, trăm năm, dấu ấn, khoa học

Vượt ra khỏi ranh giới của [Vị trí thả 1], cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét diễn ra cả [Vị trí thả 2] nay của các y bác sĩ, nhân viên y tế Việt Nam đã trở thành một nền di sản đáng nhớ, một [Vị trí thả 3] không thể nào quên trong quá trình biến đổi đầy kiêu hãnh của người dân Việt Nam từ thân phận thuộc địa trở thành chủ nhân của mảnh đất tự do.

Câu 17 : Từ “nan đề” (in đậm, gạch chân) trong đoạn [6] được hiểu là gì?

A. Căn bệnh nguy hiểm, chưa tìm ra cách chữa.

B. Vấn đề khó khăn, phức tạp, khó giải quyết.

C. Sự tốn kém về chi phí.

D. Sự biến đổi khôn lường, khó kiểm soát.

Câu 18: Các cuộc vận động, tuyên truyền về bệnh sốt rét được bác sĩ Đặng Văn Ngữ cùng cộng sự thực hiện nhằm mục đích gì?

Chọn các đáp án đúng.

A. Thể hiện sự hiểu biết uyên bác của các y bác sĩ Việt Nam trong thời kì vệ quốc.

B. Giúp nhân viên y tế có thêm kiến thức về căn bệnh này và có các biện pháp phòng bệnh tốt hơn.

C. Nâng cao hiểu biết cho nhân dân miền núi về căn bệnh sốt rét và giúp cuộc sống của họ văn minh hơn.

D. Truyền bá rộng rãi nghề lương y cao quý để đồng bào vùng cao có thể theo học và tự cứu mình.

Câu 19: Dựa trên thông tin đoạn [7], hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

A. RTS,S được xem là loại vaccine sốt rét đầu tiên và hiệu quả nhất trên thế giới, khó có vacxin nào vượt qua.

B. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã hoàn tất ước mơ chế tạo vaccine chống lại bệnh sốt rét.

C. Thế giới vẫn chưa tìm được loại vaccine hiệu quả và an toàn thật sự trong điều trị bệnh sốt rét.

Câu 20: Thông tin nào được suy ra từ đoạn trích trên?

Chọn các đáp án đúng:

A. Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ là những cái tên nổi tiếng trong công cuộc chống lại căn bệnh sốt rét thời kì đất nước còn là thuộc địa.

B. Cuộc chiến chống bệnh sốt rét rất khốc liệt bởi các di sản y học trước đây không còn phù hợp để áp dụng vào nền y học vệ quốc.

C. Đoàn chuyên gia đã vào miền Nam để ngăn chặn, nghiên cứu vaccine về bệnh sốt rét tại nơi đang bùng dịch mạnh.

D. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã chế tạo thành công vaccine sốt rét RTS,S đầu tiên trên thế giới.

Tuyensinh247.com

DÀNH CHO 2K8 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2026!

Bài thi Đánh giá năng lực 2026 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Trang thông tin mới nhất năm 2024 về kì thi đánh giá năng lực vào trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội, các khối trường công an và kì thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp trả lời rõ ràng tất cả câu hỏi như: Thi ĐGNL là gi, Đề thi đánh giá năng lực cấu trúc thế nào, gồm bao nhiêu phần, thời gian thi, thời gian mỗi phần, mỗi câu bao nhiêu điểm, lịch thi khi nào, thi ở đâu...