Đề thi thử phần tư duy định tính ĐGNL Hà Nội - Có đáp án (Đề 2)

Cập nhật lúc: 15:15 12-12-2022 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực


Xem và tải đề luyện thi đánh giá năng lực ĐHQGHN có đáp án (phần tư duy định tính) dưới đây. Đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm (từ câu 51 đến câu 100), thời gian làm bài của thí sinh 50 phút.

ĐỀ LUYỆN THI ĐGNL HÀ NỘI – PHẦN TƯ DUY ĐỊNH TÍNH

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ 51 đến 55:

"Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn."

(Trích "Hai đứa trẻ" - Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXBGD năm 2014)

Câu 51. Nêu chủ đề của đoạn trích?

A. Vẻ đẹp của bức tranh phố huyện lúc chiều tà và tâm trạng Liên

B. Bức tranh thiên nhiên phố huyện lúc chiều tàn và tâm trạng Liên

C. Bức tranh phố huyện lúc đêm khuya và tâm trạng Liên

D. Bóng tối nơi phố huyện và tâm trạng của Liên

Câu 52. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Câu 53. Xác định biện pháp tu từ trong đoạn một của văn bản?

A. So sánh, nhân hóa

B. So sánh, ẩn dụ

C. Liệt kê, so sánh

D. Liệt kê, nhân hóa

Câu 54. Cách sử dụng dấu chấm phẩy ";" trong câu cuối của văn bản có dụng ý gì?

A. Dùng để liên kết nội dung giữa các vế

B. Dùng để phân biệt các phép liệt kê trong câu

C. Dùng để ngắt quãng câu, tạo sự cân xứng

D. Dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, giữa các vế có sự liệt kê, bổ sung về nghĩa.

Câu 55. Đoạn trích thể hiện tài năng của Thạch Lam ở phương diện nghệ thuật nào?

A. Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế

B. Tạo nên những đối thoại sinh động

C. Tả cảnh tinh tế và nhạy cảm

D. Xây dựng tình huống truyện độc đáo.

Câu 56. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…

Bước sang thế kỉ XVI, tuy chế độ phong kiến đã có những biểu hiện khủng hoảng dẫn đến nội chiến và đất nước bị chia cắt, song nhìn chung tình hình xã hội vẫn phát triển.

A. Bước sang

B. Tuy

C. Khủng hoảng

D. Phát triển

Câu 57. Xác định một từ KHÔNG cùng cấu tạo với các từ còn lại?

A. Pháo tép

B. Bồ hóng

C. Giường một

D. Cửa sổ

Câu 58. Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với các tác phẩm còn lại?

A. Chí phèo

B. Chữ người tử tù

C. Số đỏ

D. Hai đứa trẻ

Câu 59. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

……………..là tài sản chung, là phương tiện giao tiếp chung của cả cộng đồng xã hội; còn………………………là sản phẩm được cá nhân tạo ra trên cơ sở vận dụng các yếu tố ngôn ngữ chung và tuân thủ các quy tắc chung.

A. Lời nói – tác phẩm

B. Ngôn ngữ - lời nói

C. Ngôn ngữ - tác phẩm

D. Lời nói - tác phẩm

Câu 60. Nhà văn nào được mệnh danh là “phù thủy của ngôn từ”?

A. Tô Hoài

B. Thạch Lam

C. Hoàng Phủ Ngọc Tường

D. Nguyễn Tuân

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 61 đến 65:

Mì tôm được làm từ nguyên liệu chính từ bột mì, bột sắn, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ bột đường và chất béo, lượng chất đạm có rất ít và chủ yếu là đạm thực vật. Vì vậy, nếu chỉ ăn mì tôm mà không bổ sung thêm chất đạm và chất xơ thì bữa ăn mất cân đối. Nếu ăn tái diễn thường xuyên và liên tục như vậy, cơ thể sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

Chất béo trans fat tạo ra trong quá trình sản xuất mỳ sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu. Trong mì ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hòa (chứa nhiều axít béo no, khó tiêu hóa), carbonhydrates (chất bột) và rất ít chất xơ. Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị ôxy hóa và có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans fat nhiều hơn. Trans fat sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, trong gói mì còn có gói nhỏ gia vị và gói mỡ, 2 gói này làm bát mì ăn liền thêm màu sắc hấp dẫn, chất phụ gia và hương vị có tác dụng tạo sự ngon miệng, đánh lừa cảm giác của người ăn nhưng không tốt cho người bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

Câu 61. Nêu nội dung chính của đoạn trích?

A. Các thành phần của mì tôm và tác dụng của mì tôm

B. Những tác động không tốt của mì tôm đối với sức khỏe con người

C. Mì tôm và tác dụng của nó đối với sức khỏe con người

D. Các chất béo có trong mì tôm và tác dụng của nó với sức khỏe con người

Câu 62. Điều nào không được nói đến trong đoạn trích?

A. Mì tôm có rất ít chất dinh dưỡng

B. Mì tôm có thể gây nguy cơ đột quỵ

C. Mì tôm không tốt cho những người cao huyết áp

D. Không nên ăn mì tôm khi đã ăn các chất đạm

Câu 63. Theo đoạn trích, đâu là nguyên nhân gây nên đột quỵ khi ăn mì thường xuyên?

A. Do quy trình sản xuất mì.

B. Do mì được sản xuất từ bột mì.

C. Do mì được sản xuất từ bột sắn.

D. Do người sản xuất cho thêm các chất béo.

Câu 64. Theo đoạn trích mì tôm có những tác hại nào?

A. Gây thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

B. Tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

C. Đánh lừa cảm giác của người ăn nhưng không tốt cho người bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

D. Cả 3 đáp án trên

Câu 65. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích là gì?

A. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận

C. Phong cách ngôn ngữ khoa học

D. Phong cách ngôn ngữ hành chính

Câu 66. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Xì xào

B. Róc rách

C. Tí tách

D. Ríu rít

Câu 67. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…

Bạo lực học đường được nhiều người coi là đã trở thành một chủ đề nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở nơi các loại vũ khí như súng hay dao được sử dụng. Nó bao gồm bạo lực giữa các học sinh trong phạm vi trường học cũng như những vụ tấn công bởi các học sinh nhằm vào giáo viên của trường hoặc ngược lại.

A. chủ đề

B. thập kỷ

C. súng hay dao

D. ngược lại

Câu 68. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đoạn miêu tả cảnh tết, âm thanh được nhắc lại sáu lần và có tác động đặc biệt tới Mị là:

A. Tiếng khèn

B. Tiếng sáo gọi bạn tình

C. Tiếng hát

D. Tiếng chiêng

Câu 69. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Thuyết minh

D. Nghị luận

Câu 70. Vị trí đoạn trích “Đất Nước” là:

A. Nằm ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”

B. Nằm ở phần đầu chương VII của trường ca “Mặt đường khát vọng”

C. Nằm ở phần đầu chương VIII của trường ca “Mặt đường khát vọng”

D. Nằm ở phần đầu chương IX của trường ca “Mặt đường khát vọng”

Câu 71. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, nhà ……………………… chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng đối với quá trình ……………………… truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

A. nhân đạo - hiện đại hóa

B. nhân ái - cá biệt hóa

C. nhân đạo - cá tính hóa

D. nhân văn - thi vị hóa

Câu 72. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. Tấp tểnh

B. Tập tễnh

C. Khập khiễng

D. Cà nhắc

Câu 73. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…

“Chiếu cầu hiền” là một văn bản quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nuớc.

A. văn bản

B. chủ truơng

C. nhà

D. trí thức

Câu 74. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”

(Trích “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)

Các biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn thơ trên?

A. Ẩn dụ, so sánh

B. Ẩn dụ, câu hỏi tu từ

C. So sánh, câu hỏi tu từ

D. So sánh, hoán dụ

Câu 75. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn hai mươi năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua.

Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là chúng ta phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ “mất còn”, không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ, làm cho tương quan lực lượng giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới thường xuyên thay đổi. Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Phong cách ngôn ngữ được sử dụng ở đoạn trích là gì?

A. Phong cách ngôn ngữ báo chí

B. Phong cách ngôn ngữ nghị luận

C. Phong cách ngôn ngữ khoa học

D. Phong cách ngôn ngữ chính luận

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 76 đến 80:

Những người theo Kito giáo một cách cuồng tín cho tới ngày nay vẫn luôn chống đối Thuyết tiến hóa vì họ luôn có niềm tin vào sự “sáng tạo” của Thiên Chúa. Vì thế để xoa dịu tư tưởng “phản bác” khoa học của một số người cuồng tín, Giáo hoàng John Paul II, trong một bài phát biểu đã nhấn mạnh rằng: “Thân xác con người có thể không phải là sự sáng tạo tức thời của Thượng đế, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần… Những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận Thuyết Tiến Hóa hơn chỉ là một giả thuyết”.

Không chỉ có những người cuồng tín mới có tư tưởng phản bác “Thuyết tiến hóa”, trong bài viết của một nhà nghiên cứu khá nổi tiếng của Mỹ cũng ghi rằng: “Có nhiều hệ truyền giống song song với nhau nhưng không bao giờ gặp nhau. Giống như một hệ Khỉ kéo dài hàng triệu năm, một hệ Người chừng vài trăm ngàn năm, hai hệ này có một số đặc tính tương tự nhưng không giao thoa với nhau và không phải là truyền nhân của nhau”. Ý kiến này được đưa ra để phản bác lại học thuyết của Darwin rằng: “Những sinh vật xuất hiện trước là cha đẻ của nhửng sinh vật sau”.

Để minh chứng cho nhận định của mình, nhà nghiên cứu này đưa ra ví dụ gây sốc: Năm 1967, ở bang Texas của Mỹ xảy ra một vụ tai nạn mà “tang vật” thu được lại hết sức lạ lùng. Trong một cái lọ thủy tinh lớn, cảnh sát Texas dùng để chứa một cái thai “người” gần đủ, với tay chân, mắt mũi. Viên quản thủ tang vật cho biết đó là một cái thai “khỉ”! Một con khỉ Hắc tinh tinh cái, cao gần 5 bộ, có thai, đi lạng quạng từ trong một khu rừng gần nơi ở của người ra ngoài đường và bị xe cán chết. Thấy con khỉ có thai to lớn, các viên chức mới mổ bụng ra, lấy cái thai ra ngoài, và hết sức ngạc nhiên khi đó là một thai người! Giả thuyết cho rằng đó là kết quả giao hợp của một thổ dân nào sống gần đó với con khỉ cái Các bác sĩ phụ khoa đều xác nhận rằng đó là một phiên bản của một “bé trai” đã chín tháng!

Câu 76. Nêu chủ đề của đoạn trích?

A. Thuyết tiến hóa của Darwin

B. Những sai lầm trong thuyết tiến hóa của Darwin

C. Những ý kiến phản bác thuyết hóa của Darwin

D. Những hạn chế trong thuyết tiến hóa của Darwin

Câu 77. Từ cuồng tín trong đoạn văn có thể được thay thế bằng cụm từ nào?

A. tin theo một cách mãnh liệt và mù quáng

B. tin theo một cách tuyệt đối và mù quáng

C. tin theo một cách say mê và mù quáng

D. tin theo một cách tuyệt đối và mù quáng

Câu 78. Niềm tin vào sự “sáng tạo” của thiên Chúa được hiểu như thế nào?

A. Chúa tạo ra con người trên trái đất

B. Chúa tạo ra mọi vật trên trái đất

C. Chúa có quyền năng vô hạn trên trái đất

D. Chúa là người có khả năng sáng tạo lớn nhất trái đất

Câu 79. Quan điểm “Những sinh vật xuất hiện trước là cha đẻ của những sinh vật sau” là quan điểm của ai?

A. Của những người cuồng tín

B. Của giáo hoàng Giáo hoàng John Paul II

C. Của Darwin

D. Của các nhà nghiên cứu khác

Câu 80. Theo đoạn trích thì Giáo hoàng John Paul II có quan điểm như thế nào?

A. Giáo hoàn tin tuyệt đối với sự sáng tạo của thượng đế ra con người

B. Giáo hoàng tin tuyệt đối vào quá trình tiến hóa tự nhiên của con người

C. Giáo hoàng cho rằng có khả năng con người là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên

D. Giáo hoàng tin rằng có khả năng con người là do thượng đế sáng tạo.

Câu 81. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả . Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…

Từ “nông nỗi” trong câu văn “Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?” có nghĩa giống với từ nào sau đây?

A. Hời hợt

B. Tình trạng

C. Khổ sở

D. Nông cạn

Câu 82. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.

(Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Theo đoạn trích “lòng biết giá người” được hiểu như thế nào?

A. Biết đánh giá giá trị của con người

B. Biết trân trọng giá trị của con người

C. Biết trân trọng tài sản của con người

D. Biết trân trọng của cải mà con người làm ra

Câu 83. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…

Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, qua đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia”, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mạnh mẽ bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” ở nông thôn những năm truơc Cách mạng tháng Tám.

A. bằng nghệ thuật

B. phê phán

C. nông thôn

D. truớc

Câu 84. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

…....................... là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

A. Chủ đề

B. Tư tưởng

C. Đề tài

D. Cảm hứng nghệ thuật

Câu 85. Đọc đoạn văn bản rồi trả lời câu hỏi:

Ông đò Lai Châu bạn tôi làm nghề chở đò dọc sông Đà đã 10 năm liền và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay. Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy cái cuống lái tưởng tượng. Giọng ông nói ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông. Nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào trong sương mù. Quê ông ở ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh. Ông chở đò dọc, chở chè mạn, chè cối từ Mường Lay về Hòa Bình, có khi chở về đến tận bến Nứa Hà Nội. Ông bảo: Chạy thuyền trên sông không có thác, nó sẽ dễ dại tay chân và buồn ngủ. Cho nên ông chỉ muốn cắm thuyền ở Chợ Bờ, cái chỗ biên giới thủy phận cuối cùng của đá thác sông Đà…
Trên dòng sông Đà, ông xuôi ngược hơn trăm lần rồi. Chính tay ông giữ lái đò độ sâu chục lần cho những chuyến thuyền then đuôi én sâu mái chèo. Trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước, những con thác hiểm trở sông Đà, với người lái đò ấy, như thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc lòng từ dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, chấm xuống dòng…

(Người lái đò sông Đà – Tuyển tập Nguyễn Tuân – NXBVH 2008)

Biện pháp tu từ nổi bật nhất được dùng đoạn trích là

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Ẩn dụ

D. Hoán dụ

Câu 86. Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…

Việc một số công ty du lịch tổ chức các tour đón khách đến nghỉ ngơi, tắm biển được mở ra tại đây đã làm cho bãi biển khu vực này dần dần trở thành một khu du lịch nổi tiếng.

A. đã làm cho

B. được mở ra

C. dần dần trở thành

D. việc

Câu 87. Chọn từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. Bủn rủn

B. Điên đảo

C. Nháo nhác

D. Lung lay

Câu 88. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.

(Kim Lân, Vợ nhặt)

Chủ đề của đoạn trích trên là gì?

A. Bữa cơm “thảm hại” trong ngày cưới của gia đình Tràng

B. Sự thay đổi tốt đẹp của Tràng từ khi có vợ

C. Niềm vui của bà mẹ khi con trai mình có vợ

D. Tình cảm và hi vọng của con người trong khó khăn

Câu 89. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Hình ảnh “Củi một cành khô” là hình ảnh có tính chất?

A. Lãng mạn

B. Hiện thực

C. Ước lệ

D. Mĩ lệ

Câu 90. Điệp từ “đâu” trong đoạn thơ đã tạo nên giọng điệu gì?

"Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

Đâu ruồng che mát thuở yên vui

Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?”

A. Tạo ra nhạc điệu tha thiết, diễn tả niềm thương nhớ trào dâng trong lòng nhà thơ trẻ.

B. Giọng điệu du dương, bay bổng.

C. Giọng điệu tươi tắn, hồn nhiên.

D. Tạo giọng điệu buồn bã, tuyệt vọng.

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 91 đến 94

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Thường thường một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ dao động trong giới hạn nhất định. "Cân nặng nên có" của mỗi người thường ở vào độ tuổi 25-30. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để nhận định tình trạng gầy béo. Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi,... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp,... và ung thư. Hiện nay tình hình thừa cân và béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển. Đây thật sự là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai. Tại các nước đang phát triển béo phì tồn tại song song với thiếu dinh dưỡng, gặp nhiều ở thành phố hơn ở nông thôn. Ở Việt Nam tỷ lệ thừa cân và béo phì khoảng 5,6%, 6,5% ở các thành phố lớn; 10,7% ở lứa tuổi 15-49 và 21,9% ở lứa tuổi 40-49. Tỷ lệ béo phì ở trẻ học sinh tiểu học Hà Nội là 4,2% (2013) và 12,2% ở Thành phố Hồ Chí Minh (2013).

Câu 91. Chủ đề của đoạn trích là gì?

A. Bệnh béo phì ở Việt Nam

B. Nguyên nhân của bệnh béo phì

C. Hậu quả của bệnh béo phì

D. Bệnh béo phì và những vấn đề liên quan

Câu 92. Theo đoạn trích ở những quốc gia đang phát triển tình trạng béo phì diễn ra chủ yếu ở đâu?

A. Ở thành phố nhiều hơn nông thôn

B. Ở nông thông nhiều hơn thành phố

C. Ở cả thành phố và nông thôn

D. Chủ yếu ở nông thôn và một số ít ở thành phố

Câu 93. Theo đoạn trích bệnh béo phì chủ yếu diễn ra ở những quốc gia nào?

A. Những quốc gia chậm phát triển

B. Những quốc gia phát triển

C. Những quốc gia đang phát triển

D. Cả quốc gia phát triển và đang phát triển

Câu 94. Theo đoạn trích nguyên nhân gây nên béo phì là gì?

A. Do cơ địa của mỗi người

B. Do yếu tố di truyền

C. Do lười vận động

D. Do yếu tố dinh dưỡng

Câu 95. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Khẳng định “văn hóa soi đường cho ………………… đi”, Hồ Chí Minh đã thấy rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, con người, và xác định để hướng dẫn nhân dân thì “mình phải làm ………………… cho người ta bắt chước”.

A. dân sinh – mẫu

B. quốc giáo – tấm gương

C. quốc gia – nguyên tắc

D. quốc dân – mực thước

Câu 96. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi sau:

Người ta có một niềm tin đầy tính áp đặt và bất di bất dịch vào quyền lực vô biên của cơ học cổ điển. Hệ thống cơ học của Niu-tơn đã vận hành tốt trong hơn hai trăm năm; đến mức, ở cuối thế kỉ XIX, nhiều nhà vật lí đã tin rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sách giáo khoa Vật lí có thể khép lại mà không phải viết thêm gì nữa. Có thể còn những vấn đề mới sẽ nảy sinh, nhưng những vấn đề ấy chắc chắn sẽ giải quyết được trong khuôn khổ của vật lí Niu-tơn. Tuy nhiên, bất chấp niềm tin đó, bước vào ngưỡng cửa thế kỉ XX đã bắt đầu xuất hiện một số vết rạn nhỏ trong cơ học cổ điển mà người ta không thể phớt lờ đi được: có hai đặc tính nhỏ của ánh sáng chẳng phù hợp vào đâu trong hệ thống này. Năm 1900, trong bài diễn văn đọc trước viện Hoàng gia, huân tước Ken-vin, một nhà vật lí xuất sắc sau khi hết lời ca ngợi những chiến công của cơ học Niu-tơn đã đề cập đến hai vấn đề còn chưa giải quyết được liên quan đến ánh sáng và gọi đó là “hai đám mây còn sót lại ở bức tranh phong cảnh của Niu-tơn”. Nhưng việc xua tan được hai đám mây liên quan đến ánh sáng này hóa ra lại là rất khó, bất chấp sự chú tâm của những trí tuệ mẫn tiệp nhất.

Theo đoạn trích, “hai đám mây” là hình ảnh thể hiện hai vấn đề như thế nào?

A. Chưa rõ ràng

B. Vô nghĩa

C. Viển vông

D. Phi thực tế

Câu 97. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hóm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đối, chết rét, phải chết. Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Theo đoạn trích tại sao Mị lại nghĩ: “Người kia việc gì mà phải chết.”?

A. Vì A Phủ còn trẻ

B. Vì A Phủ không bị cúng trình ma như Mị

C. Vì A Phủ không nợ nhà thống lí Pá Tra nhiều như Mị

D. Vì A Phủ là con trai

Câu 98. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Về nghệ thuật, văn học từ thời kì đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 đã đạt được những ………………… hết sức to lớn, gắn liền với kết quả ………………… về thể loại và ngôn ngữ.

A. thành tựu – cách tân

B. thành công – to lớn

C. thành tích – cách mạng

D. giá trị – khác biệt

Câu 99. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Hai từ “để” lặp lại ở đầu hai câu 2 và 3 trong khổ thơ trên có tác dụng gì?

A. Làm nổi bật thái độ sống đầy trách nhiệm.

B. Làm nổi bật tình cảm khăng khít, gắn bó với người lao động.

C. Làm nổi bật khát khao được hoà nhập cống hiến.

D. Làm nổi bật tinh thần tất cả vì nhân dân lao động.

Câu 100. Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với các tác phẩm còn lại?

A. Vợ chồng A Phủ

B. Người lái đò sông Đà

C. Vợ nhặt

D. Rừng xà nu

 ---------------HẾT-----------------

BẢNG ĐÁP ÁN

51. B

52. C

53. A

54. D

55. C

56. D

57. B

58. C

59. B

60. D

61. B

62. D

63. A

64. D

65. C

66. A

67. A

68. B

69. D

70. A

71. A

72. A

73. B

74. C

75. D

76. C

77. A

78. B

79. C

80. C

81. B

82. B

83. C

84. C

85. A

86. A

87. D

88. D

89. B

90. A

91. D

92. A

93. D

94. D

95. D

96. A

97. B

98. A

99. C

100. B

Nguồn: Tuyensinh247/Tổng hợp: Danhgianangluc.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Trang thông tin mới nhất năm 2024 về kì thi đánh giá năng lực vào trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội, các khối trường công an và kì thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp trả lời rõ ràng tất cả câu hỏi như: Thi ĐGNL là gi, Đề thi đánh giá năng lực cấu trúc thế nào, gồm bao nhiêu phần, thời gian thi, thời gian mỗi phần, mỗi câu bao nhiêu điểm, lịch thi khi nào, thi ở đâu...