Quy chế thi đánh giá năng lực 2023 ĐHQG Hà Nội

Cập nhật lúc: 10:43 02-01-2023 Mục tin: Tìm hiểu kì thi đánh giá năng lực


Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Quy chế thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông áp dụng từ năm 2023 như sau:

CÁC EM TẢI FILE QUY CHẾ THI ĐGNL ĐHQGHN PHÍA DƯỚI ĐỂ XEM CHI TIẾT NHÉ!

Điều 5. Dạng thức bài thi, nội dung thi và hình thức thi

1. Dạng thức bài thi ĐGNL học sinh THPT do Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

2. Trên cơ sở dạng thức bài thi được phê duyệt, Giám đốc TTKT ban hành nội dung thi trong chương trình THPT và các thông tin chi tiết của bài thi. Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước khi thi

3. Hình thức thi: Thí sinh thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính.

4. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức. Giám đốc TTKT ban hành Hướng dẫn thử nghiệm câu hỏi thi trong bài thi ĐGNL học sinh THPT để thực hiện việc này.

Điều 6. Phương thức tổ chức kỳ thi

1. Tổ chức cho thí sinh thi trên máy tính được kết nối với máy chủ của kỳ thi qua mạng nội bộ và sử dụng thống nhất một hệ thống phần mềm tổ chức thi, tự động chấm thi và thông báo điểm bài thi cho thí sinh sau khi thí sinh nộp bài thi hoặc khi kết thúc thời gian làm bài thi.

2. TTKT không tổ chức phúc khảo bài thi.

3. Căn cứ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, kỳ thi có thể được tổ chức thi kết hợp sử dụng mạng nội bộ và mạng internet. Giám đốc TTKT ban hành hướng dẫn chi tiết tổ chức thi theo phương thức kết hợp mạng nội bộ và mạng internet.

Điều 7. Đối tượng dự thi

1. Đối tượng dự thi

a) Học sinh đang học lớp 12 bậc trung học phổ thông hoặc tương đương;

b) Người đã tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian 3 năm tính đến năm dự thi. Trường hợp khác có nguyện vọng dự thi liên hệ Hội đồng thi xem xét quyết định.

2. Điều kiện dự thi

a) Hoàn thành các yêu cầu đăng ký dự thi;

b) Không trong thời gian bị cấm thi hay bị xử lý hình sự;

c) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu dự thi được ghi trong phiếu báo dự thi.

3. Việc dự thi của người khuyết tật được quy định cụ thể trong Hướng dẫn tổ chức thi ĐGNL học sinh THPT do Giám đốc TTKT ban hành hằng năm.

Điều 17. Đăng ký dự thi

1. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Tài khoản đăng ký dự thi của thí sinh được duy trì 24 tháng kể từ thời điểm thí sinh hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi.

2. Thí sinh được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian giữa 2 đợt thi liên tiếp phải đủ tối thiểu là 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi).

3. Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi. Trong một số trường hợp đặc biệt, Giám đốc TTKT có thể thay đổi ca thi và thông báo cho thí sinh.

4. Giám đốc TTKT ban hành Hướng dẫn đăng ký dự thi ĐGNL học sinh THPT

Điều 23. Trách nhiệm của thí sinh dự thi

1. Tìm hiểu kỹ về kỳ thi, thỏa thuận sử dụng của kỳ thi, quy chế và các hướng dẫn dành cho thí sinh về kỳ thi.

2. Tra cứu thông tin dự thi trong hệ thống đăng ký dự thi và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về trách nhiệm của thí sinh khi dự thi.

3. Đóng lệ phí thi đầy đủ, đúng quy định.

4. Có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định và thực hiện các yêu cầu sau đây:

a) Xuất trình CMND/CCCD và Phiếu báo dự thi cho CBCT. Trường hợp không có CMND/CCCD phải báo ngay cho CBCT;

b) Chấp hành hiệu lệnh của điểm thi và hướng dẫn của CBCT;

c) Thí sinh đến muộn sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thi 10 phút thì không được dự thi;

d) Chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng phục vụ làm bài thi theo quy định tại Hướng dẫn tổ chức thi ĐGNL học sinh THPT;

đ) Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin;

e) Ngồi đúng máy thi có ghi số báo danh của mình; kiểm tra tình trạng hoạt động của máy thi, bàn phím, chuột;

g) Nhận phiếu tài khoản (PTK), kiểm tra thông tin trên PTK. Không được đăng nhập tài khoản thi khi chưa có hiệu lệnh.

5. Khi có hiệu lệnh, thí sinh đăng nhập tài khoản thi, làm bài và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Làm bài thi theo đúng hướng dẫn;

b) Không được có bất kỳ hành vi gian lận nào trong phòng thi; không làm mất trật tự phòng thi. Khi muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo CBCT. Khi được phép nói, thí sinh trình bày công khai với CBCT ý kiến của mình;

c) Không được rời phòng thi khi chưa kết thúc bài thi. Khi cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát phòng thi. Trường hợp cần cấp cứu, Trưởng điểm thi quyết định việc đưa thí sinh ra khỏi phòng thi và khu vực thi;

d) Nếu thí sinh gặp sự cố về máy thi, không được tự ý xử lý mà phải báo ngay cho CBCT;

đ) Thí sinh không được thoát ra khỏi tài khoản thi trong suốt quá trình làm bài thi hoặc tái khởi động lại màn hình, máy thi, đường truyền bằng bất cứ hình thức nào;

e) Khi có sự việc bất thường xảy ra trong phòng thi, phải tuân theo sự hướng dẫn của CBCT.

6. Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh dừng thao tác trên máy thi và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Không được đóng trình duyệt thi khi chưa có hướng dẫn của CBCT;

b) Nộp lại PTK, giấy nháp cho CBCT. Thí sinh chỉ được rời khỏi phòng thi khi được CBCT cho phép;

7. Nếu phải sửa chữa thông tin cá nhân, thí sinh cần báo với CBCT để được hướng dẫn. Nếu không thực hiện yêu cầu này thí sinh sẽ nhận được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi theo thông tin đã đăng ký.

Điều 26. Thủ tục dự thi cho thí sinh

1. Mục đích làm thủ tục dự thi cho thí sinh: Nhằm kiểm tra tính hợp pháp và chính xác của thông tin thí sinh dự thi trong danh sách dự thi.

2. Yêu cầu của việc làm thủ tục dự thi cho thí sinh: Thực hiện đầy đủ các nội dung, các bước trong hướng dẫn. Nếu có phát sinh không thuộc thẩm quyền quyết định, CBCT không được tự ý giải quyết, phải báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo của Trưởng điểm thi.

3. Nội dung làm thủ tục dự thi cho thí sinh: Kiểm tra và xác minh nhân thân của thí sinh, hướng dẫn làm thủ tục đề nghị sữa chữa thông tin, hướng dẫn thí sinh làm thủ tục chụp ảnh (nếu cần).

4. Tư trang của thí sinh (nếu có) không thuộc danh mục vật dụng được mang vào phòng thi phải để cách xa khu vực phòng thi tối thiểu 25m.

5. Hội đồng thi có thể sử dụng các thiết bị dò kim loại, trang thiết bị thu phát truyền tin để kiểm tra an ninh trước khi thí sinh vào khu vực thi.

Điều 30. Chấm thi, công bố kết quả thi, lập sổ điểm, sử dụng dữ liệu kết quả thi và tra cứu kết quả thi

1. Chấm thi: Thực hiện theo khoản 1 Điều 6 Quy chế này

2. Công bố kết quả thi

TTKT công bố kết quả thi chính thức sau 14 ngày kể từ khi kết thúc đợt thi. Đồng thời, lưu dữ liệu kết quả thi vào đĩa CD và báo cáo ĐHQGHN (qua Ban Đào tạo).

3. Lập sổ điểm của đợt thi

a) Sổ điểm của đợt thi bao gồm: Trang thông tin về sổ điểm (thông tin về đợt thi, danh mục tài liệu có trong sổ điểm, thông tin về người lập sổ điểm, người kiểm tra và phần ký đóng dấu của Giám đốc TTKT), danh sách các thí sinh bị trừ điểm của bài thi do vi phạm kỷ luật, danh sách các thí sinh diện chuyển đợt thi hoặc xử lý khác, các bản danh sách kết quả thi của phòng thi. Các biên bản xử lý kỷ luật và biên bản chuyển đợt thi, biên bản xử lý khác được tập hợp riêng và ghi cùng mã với mã sổ điểm của đợt thi;

b) Sổ điểm của đợt thi có dạng bản in và bản số hóa bản in;

c) Quy trình lập sổ điểm của đợt thi do Giám đốc TTKT ban hành.

4. Lập và sử dụng dữ liệu kết quả thi

a) Dữ liệu kết quả thi chỉ được sử dụng để thực hiện các mục đích của kỳ thi;

b) Dữ liệu kết quả thi được lập có dạng thức là bản in, bản dữ liệu số hoặc kết hợp cả hai dạng thức;

c) Quy trình phê duyệt việc lập và sử dụng dữ liệu kết quả thi do Giám đốc TTKT ban hành.

5. Tra cứu kết quả thi

Thí sinh, các đơn vị sử dụng kết quả thi đăng ký tra cứu trực tuyến hoặc xác minh kết quả thi của thí sinh nếu được uỷ quyền.

Điều 31. Cấp chứng nhận kết quả thi

1. Giấy chứng nhận kết quả thi bao gồm thông tin về họ tên, ngày sinh, giới tính, số CMND/CCCD, thời gian thi, mã bài thi, số báo danh, điểm thành phần bài thi, tổng điểm bài thi. Giám đốc TTKT quy định cụ thể nội dung của các thông tin khác trên Giấy chứng nhận kết quả thi về bài thi, về hướng dẫn dành cho thí sinh và nơi sử dụng kết quả thi (nếu có) và ban hành mẫu giấy chứng nhận kết quả thi.

2. Giấy chứng nhận kết quả thi không giới hạn thời gian sử dụng.

3. Giám đốc TTKT ký giấy chứng nhận kết quả thi trên cơ sở Sổ điểm của đợt thi.

4. Quy trình cấp giấy chứng nhận kết quả thi do Giám đốc TTKT ban hành.

5. Mỗi thí sinh được cấp miễn phí 01 giấy chứng nhận kết quả thi. Từ bản thứ hai, thí sinh nộp lệ phí theo quy định của TTKT.

Điều 40. Xử lý thí sinh vi phạm

1. Mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.

2. Khiển trách đối với thí sinh vi phạm một lần một trong các lỗi sau: nhìn bài hoặc trao đổi bài, giấy nháp với các thí sinh khác. Hình thức này do CBCT quyết định tại biên bản được lập.

3. Cảnh cáo đối với thí sinh vi phạm một trong những lỗi sau đây:

a) Đã bị khiển trách một lần nhưng trong ca thi vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách;

b) Tự ý đổi máy thi, tự ý đăng nhập, tự ý tắt máy thi khi chưa được CBCT cho phép;

c) Sử dụng phần mềm khác với phần mềm thi đã cài đặt trên máy thi;

d) Tự ý rời phòng thi khi chưa được CBCT cho phép; Hình thức kỷ luật cảnh cáo do CBCT quyết định tại biên bản được lập, kèm theo bằng chứng (nếu có).

4. Đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;

b) Mang vật dụng trái phép vào phòng thi; có hành động gây rối trật tự, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;

c) Sao chép đề thi; đổi PTK với thí sinh khác; cố tình không nộp lại PTK và giấy nháp thi sau khi đã ký tên vào danh sách ký nhận điểm thi;
CBCT lập biên bản, thu bằng chứng (nếu có) và báo cáo Trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp giấy nháp thi, PTK cho CBCT và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định.

5. Trừ điểm thi

a) Thí sinh bị khiển trách trong khi thi sẽ bị trừ 25% tổng số điểm;

b) Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi sẽ bị trừ 50% tổng số điểm;

c) Thí sinh bị đình chỉ trong khi thi sẽ bị điểm 0 (không).

6. Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh sau kỳ thi nếu bị phát hiện đã gian lận trong đăng ký dự thi hoặc làm bài thi; hủy bỏ toàn bộ đăng ký dự thi, kết quả điểm bài thi ĐGNL trong năm của thí bị đình chỉ thi; dừng phục vụ tất cả các đợt thi ĐGNL còn lại trong năm (nếu có) đối với thí sinh bị đình chỉ thi.

7. Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự thì Hội đồng thi lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức quy định tại Quy chế này

Danhgianangluc.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Trang thông tin mới nhất năm 2024 về kì thi đánh giá năng lực vào trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội, các khối trường công an và kì thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp trả lời rõ ràng tất cả câu hỏi như: Thi ĐGNL là gi, Đề thi đánh giá năng lực cấu trúc thế nào, gồm bao nhiêu phần, thời gian thi, thời gian mỗi phần, mỗi câu bao nhiêu điểm, lịch thi khi nào, thi ở đâu...